Doanh nghiệp phải chủ động để thích ứng trước xu thế phòng vệ thương mại


Hàng hóa Việt Nam xuất sang các nước ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro bởi chính sách bảo hộ nền sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu. Vì vậy, để thích ứng doanh nghiệp (DN) phải sắp xếp lại hoạt động sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng để khai thác thị trường tốt hơn.
Doanh nghiệp ngành thép thường xuyên bị rơi vào các vụ kiện phòng vệ thương mại

Ngày càng gia tăng "chủ nghĩa" bảo hộ

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết được 10 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), giúp hàng hóa Việt Nam được giảm thuế sâu, nhiều mặt hàng còn được hưởng thuế 0%.

Tuy nhiên, ở nhiều nền kinh tế khi hàng rào thuế quan hạ xuống thì hàng rào kỹ thuật lại dựng lên, hầu hết FTA đã ký kết đều có chương quy định về hàng rào kỹ thuật. Không chỉ là những hàng rào kỹ thuật, mà gần đây, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đã nổi lên với nhiều quyết định từ lãnh đạo các nền kinh tế lớn.

Theo số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã đối mặt với trên 80 vụ kiện phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu, trong đó phần lớn là vụ kiện bán phá giá, chống trợ cấp.

Đặc biệt, những năm gần đây nổi lên các vụ kiện chống bán phá giá thép không gỉ năm 2013; vụ kiện chống bán phá giá thép mạ (tôn mạ) năm 2016. Bên cạnh đó, còn có các vụ việc liên quan đến vấn đề áp dụng biện pháp tự vệ thương mại như: Kính nổi (2009), dầu thực vật (2012), bột ngọt (2015), phôi thép và thép dài (2015), tôn màu (2016)... Chính thực trạng trên đã gây không ít lo ngại cho các DN, nhất là những DN nhỏ và vừa.

Ngoài các cuộc điều tra chống bán phá giá, Việt Nam đang có xu hướng trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá do bị coi là nơi "chuyển tải" của hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế. Đây là một hình thức các nước nhập khẩu áp dụng nhằm tránh việc “chuyển tải” hàng hóa từ một nước sang nước khác với mục đích thay đổi xuất xứ để tránh bị áp thuế chống bán phá giá.

Doanh nghiệp cần chủ động

Theo các chuyên gia kinh tế, xu thế bảo hộ ở các thị trường nhập khẩu là rõ ràng. Rất nhiều mặt hàng từ công nghiệp, tiêu dùng, thực phẩm của Việt Nam đã đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết mỗi thị trường sẽ có hướng bảo hộ nền kinh tế trong nước riêng. Ngay như thị trường Mỹ, khi tổng thống mới, ông Donald Trump lên nhậm chức đã tuyên bố hủy việc tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn là một cuộc đàm phán mang tầm quốc tế rộng, nhằm bảo hộ hoạt động sản xuất trong nước.

Trong xu thế bảo hộ của các thị trường nhập khẩu, nhìn ở bề nổi, DN Việt Nam sẽ có nguy cơ bị thu hẹp thị trường, thu gọn sản xuất do sản phẩm không đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, về lâu dài, các DN sẽ phải nỗ lực cải tổ quy trình sản xuất theo hướng đầu tư công nghệ, sản xuất tiêu chuẩn cao hơn. Sự thay đổi của mỗi DN không chỉ dừng lại ở việc thay đổi quy mô, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của chính DN ấy mà còn giúp cải thiện ngành sản xuất theo hướng chất lượng cao hơn.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, số phận của mỗi DN, ngành nghề phụ thuộc hoàn toàn vào từng cá thể tham gia. DN có thể vẽ ra một bức tranh lớn với tầm nhìn 5 năm, 10 năm, 20 năm nhưng cũng cần nhìn lại để xác định những việc mình cần làm hiện tại. Do vậy, việc thích ứng với tình hình mới vô cùng quan trọng.

Các DN phải nghĩ thêm về cách tham gia vào nền kinh tế toàn cầu hóa thông minh hơn, mới hơn, bảo hộ như thế nào, bảo hộ tới mức độ nào để ứng phó - Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành chia sẻ.

Ở tầm vĩ mô, Bộ Công Thương đã có kế hoạch thành lập mới Cục Phòng vệ thương mại là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về phòng vệ thương mại, góp phần triển khai hiệu quả các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam để bảo vệ lợi ích của các DN trong bối cảnh hội nhập.

Cơ quan này cũng chủ trì hoặc phối hợp với các DN, hiệp hội ngành hàng trong việc đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; là đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành giải quyết các tranh chấp tại WTO liên quan đến biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.mai 

 Ngân Giang (nguồn: Theo Thanh Thanh -Mai Ca, http://baocongthuong.vn)