Phát huy nội lực, chủ động giải pháp



Thị trường ôtô trong nước đang ở giai đoạn giao thời với những kỳ vọng lớn hơn của người tiêu dùng về sự giảm giá ôtô vào đầu năm 2018 khi thuế nhập khẩu (NK) xe trong khu vực Asean về 0%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước vẫn kiên trì mục tiêu phát triển công nghiệp ôtô, hướng tới lợi ích của người tiêu dùng và xuất khẩu.
 
Lắp ráp ôtô tại nhà máy của Hyundai Thành Công

Mở rộng sản xuất, gia tăng nội địa hóa

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng sản lượng xe bán ra trên thị trường tháng 4/2017 đạt 21.942 chiếc, giảm 18% so với tháng 3/2017 và giảm 15% so với tháng 4/2016. So với tháng 3, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 16.453 xe, giảm 10% và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 5.489 xe, giảm 35%. Tính chung 4 tháng đầu năm, thị trường Việt Nam tiêu thụ 86.671 xe, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh ôtô cho rằng, mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ giá cho khách mua xe nhưng sự sụt giảm sức mua trong tháng 4 cho thấy, thị trường ôtô đang ở thời điểm chuyển giao. Vừa chờ đợi tới đầu năm 2018 mong giá ôtô NK trong khu vực hạ sâu hơn do thuế NK về 0%, vừa mong muốn các nhà sản xuất ôtô trong nước có định hướng mới về giá bán xe.

Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận rằng, dù thế nào, Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng của tiêu thụ ôtô, nhất là với dòng xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi. Chính bởi vậy, mặc dù thời điểm cạnh tranh gay gắt khi mở cửa thị trường vào năm 2018 đã ngấp nghé, các DN ôtô trong nước vẫn kiên định mục tiêu mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời có kế hoạch xuất khẩu trở lại trong khu vực. Minh chứng cụ thể là vào cuối quý I/2014, Thaco và Hyundai Thành Công- hai tên tuổi sản xuất, lắp ráp ôtô “thuần Việt” đã đầu tư xây dựng thêm nhà máy lắp ráp xe du lịch, kiên trì theo đuổi mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Hyundai Thành Công đã đặt mục tiêu tăng trưởng 10% thị phần giai đoạn 2017-2021. Gia tăng sản phẩm lắp ráp trong nước, đạt tỷ lệ 100% vào năm 2021; nội địa hóa 45%, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang Asean. Để đạt mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa, DN này sẽ đầu tư nhà máy sản xuất công nghiệp phụ trợ ôtô; trung tâm logistics…

Mong chờ chính sách ổn định, dài hạn

Theo ông Lê Ngọc Đức - Tổng giám đốc Hyundai Thành Công - Việt Nam là thị trường tiềm năng của các nhà sản xuất ôtô quốc tế khi thị trường ôtô tại Thái Lan và Malaysia đã bão hòa. Vì thế, các thương hiệu ôtô lớn vẫn có chiến lược và đối sách ngắn và dài hạn dành cho thị trường Việt Nam và khu vực. Chúng tôi đã xác định, ở thời điểm chuyển giao này nếu không mở rộng sản xuất, nội địa hóa thì sẽ mất thị trường. Cả Thaco và Hyundai Thành Công đều đã tạo dựng được niềm tin của thị trường và đối tác để cùng sát cánh đầu tư, chuyển giao công nghệ để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, công nghiệp ôtô chỉ phát triển được khi có sự ủng hộ của Chính phủ.

Chính sách cho phát triển công nghiệp ôtô đang được các bộ, ngành bàn thảo, thống nhất để trình Chính phủ trong tháng 5/2017. Ông Đức cho rằng, dung lượng và ổn định thị trường rất quan trọng nên rất cần ổn định chính sách và chiến lược mang tính dài hạn. Vị Tổng giám đốc Hyundai Thành Công mong muốn, chính sách ban hành ra phải đi vào 3 nhóm, gồm: Chính sách duy trì thị trường ổn định; chính sách phát triển và bảo vệ sản xuất trong nước; chính sách gắn kết giữa nhà sản xuất lắp ráp với nhà sản xuất phụ trợ. “Ba nhóm chính sách này quan trọng và cần thiết, bởi nếu chính sách không có sự ổn định, cũng như các giải pháp duy trì dung lượng thị trường, thì rất khó tiết giảm giá thành sản xuất, khó thu hút các nhà đầu tư và cũng sẽ không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng” - ông Đức khẳng định.

Ông Lê Ngọc Đức - Tổng giám đốc Hyundai Thành Công:

Thời gian tới, thị trường ôtô Việt Nam sẽ chia ra 2 xu hướng: Những thương hiệu lớn có nhà máy sản xuất tại Asean thì tăng cường NK trong khu vực còn các thương hiệu khác sẽ đẩy mạnh sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam để tăng khả năng cạnh tranh với xe NK, đồng thời tham gia xuất khẩu trong thị trường Asean.


 Ngân Giang (nguồn: Theo Thùy Linh, http://baocongthuong.vn)